Đánh giá xe Ford Ranger 2016 từ các chuyên gia
26/08/2016 bởi Quản trị viên
GIỚI THIỆU CHUNG
Sau gần một năm ra mắt với vai trò thay thế cho người tiền nhiệm, thế hệ Ford Ranger 2016 không chỉ xuất sắc giữ vững được vị thế dẫn đầu trong phân khúc xe bán tải mà còn mở ra một giai đoạn huy hoàng của những chiếc pick-up, khi có những tháng tổng số xe đến tay khách hàng vượt mốc 1.000 chiếc và “chễm chệ’ dẫn đầu danh sách bán hàng của toàn thị trường ô tô. Giờ đây chẳng khó khăn để bắt gặp sáu phiên bản Ranger từ tiêu chuẩn đến cao cấp nhất trên đường phố Việt.
All New Ranger hiện được Ford nhập khẩu “ào ạt” từ Thái Lan để đủ sức đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đội hình Ranger 2016 bao gồm những cái tên và giá bán như sau:
- Ford Ranger 2.2L XL 4x4 MT 2016: 619 triệu đồng
- Ford Ranger 2.2L XLS 4x2 MT 2016: 659 triệu đồng
- Ford Ranger 2.2L XLS 4x2 AT 2016: 685 triệu đồng
- Ford Ranger 2.2L XLT 4x4 MT 2016: 790 triệu đồng
- Ford Ranger 2.2L Wildtrak 4x2 AT 2016: 830 triệu đồng
- Ford Ranger 3.2L Wildtrak 4x4 AT 2016: 918 triệu đồng
Có thể thấy, mức chênh lệch 300 triệu giữa XL và Wildtrak cùng sự kết hợp đa dạng giữa động cơ - hộp số - hệ truyền động mang đến rất nhiều sự lựa chọn cho những khách hàng có nhu cầu sử dụng cũng như điều kiện kinh tế khác nhau, từ mua bán tải đơn thuần để chở hàng đến "sắm" một mẫu xe đa dụng hiện đại. Tất cả đã góp phần đưa chiếc bán tải Hoa Kỳ đến với mọi nhà.
Mẫu xe xuất hiện trong bài đánh giá cùng nhóm danhgiaXe không ai khác hơn “anh cả” Ranger Wildtrak 3.2L 4x4 AT với đầy đủ các tính năng tốt nhất từ Ford. Vậy liệu với giá bán gần 1 tỷ đồng thì câu nói “đắt xắt ra miếng” có đúng với "ông hoàng tải Việt Nam"?
NGOẠI THẤT
Tổng quan về ngoại hình
So với những đối thủ khác trong phân khúc, Ranger 2016 tỏ rõ là mẫu xe đậm phong cách bán tải hơn cả, không xuất hiện quá nhiều các chi tiết bóng bẩy hay những đường nét uốn lượn như Toyota Hilux, Mazda BT-50 hay Nissan Navara. Thay vào đó đội ngũ thiết kế của Ford mang đến một dáng vẻ mạnh mẽ, gãy gọn nhưng không kém phần trẻ trung lịch lãm, nhất là Wildtrak 3.2L càng cá tính hơn khi được bổ sung những trang bị ngoại thất cao cấp, hiện đại để xứng đáng với vị thế đầu bảng trong gia đình Ranger.
Kích thước tổng thể Dài x Rộng x Cao của Ranger Wildtrak 3.2L 4x4 AT lần lượt đạt 5.362 x 1.860 x 1.848 (mm) cùng chiều dài cơ sở 3.220 (mm) và khoảng sáng gầm 230 (mm). Các phiên bản còn lại giữ nguyên mọi thông số trừ chiều cao tổng thể giảm đi đôi chút, từ XL cho đến XLS, XLT và Wildrtak 2.2L có trần xe cách mặt đất 1.815 (mm). Nếu đặt cạnh các đối thủ khác, Wildtrak 3.2L chỉ xếp sau người đồng hương Colorado High Country 2.8L của Chevrolet về khía cạnh đồ sộ, điều này kết hợp cùng thiết kế hầm hố giúp anh chàng này luôn gây được sự chú ý khi di chuyển trên đường phố, chẳng hề “ngán ngại” bất kì ai. Nhưng đổi lại việc luồn lách vào giờ tan tầm hay xoay trở trong những đoạn đường hẹp sẽ không hề dễ dàng với thân hình to lớn cùng bán kính quay vòng 6.35 m, trở ngại hơn khá nhiều nếu so với sự gọn gàng và linh hoạt của Isuzu D-max và Mitsubishi Triton.
Nhìn chung, Ranger 2016 tuy đã được “đô thị hóa” nhằm phù hợp với xu thế đa dụng của phân khúc nhưng vẫn giữ laị nhiều tố chất pick-up. Chính sự khác biệt này đã góp phần không nhỏ vào thành công của Ford khi chinh phục được rất nhiều khách hàng cá tính ngay từ cái nhìn đầu tiên, dẫu sao sự phá cách ấy vẫn cần thêm đôi chút thời gian để có thể “hợp mắt” đối với các bác tài trung niên tầm 40 đến 50 tuổi.
Đầu xe
Ford Ranger 2016 mang một gương mặt “điển trai” đầy góc cạnh, các hình khối lớn được áp dụng triệt để ở cản trước, lưới tản nhiệt kết hợp cùng tạo hình sắc nét của cụm chiếu sáng giúp người đối diện ấn tượng với phong thái rắn rỏi, nam tính.
Mặt ca-lăng không còn những thanh chorme mảnh trải dài theo chiều ngang, thay vào đó là tạo hình lục giác cứng cáp, với điểm nhấn là một nan to bản cắt ngang logo Ford và nối liền hai hốc gió dạng tổ ong. Tất cả đều dùng chất liệu nhựa cao cấp, kể cả phần ốp cản trước tạo hình “sừng trâu” hết sức hầm hố. Bên dưới Ford cũng không quên bổ sung một tấm chắn bùn cao su nhằm giúp đất cát hạn chế bám vào gầm động cơ khi Ranger dấn thân vào những địa hình khó.
Cụm chiếu sáng được thiết kế gọn gàng, tinh tế nhưng đèn pha tự động Projector và đèn chạy ban ngày chỉ xuất hiện ở cặp đôi Wildtrak và XLT, ngoài ra bạn còn có thể điều chỉnh tầm cao chiếu sáng thông qua một nút xoay bố trí thấp về phía bên trái tay lái để tối ưu khả năng quan sát dù là đi lại trong đô thị hay đi đường trường. Trong khi đó ba phiên bản còn lại chỉ trang bị đèn pha kiểu Halogen thông thường và không đi cùng cảm biến ánh sáng lắp ở kính chắn gió, riêng Ranger XL sẽ “thiếu mất” cặp đèn sương mù hình thoi có viền nhũ bạc lịch lãm.
Thân xe
Dáng dấp “bán tải Mỹ” thể hiện rõ khi quan sát Ranger từ bên cạnh với phong thái bề thế và cơ động, các hốc bánh xe để lộ rõ những chi tiết của hệ thống treo bên trong kết hợp cùng thân xe nghiêng nhẹ về trước. Bên cạnh đó, mũi xe – cabin – thùng hàng được phân bổ kích thước đồng đều giúp mang đến cái nhìn cân đối cho mẫu xe của Ford.
Danh sách trang bị ngoại thất tiêu chuẩn ở các phiên bản Ranger 2016 khá đa dạng, tạo nên những chiếc xe đặc trưng của riêng bạn ngay từ khi lăn bánh khỏi showroom. Hai mẫu Wildtrak hiển nhiên “ngầu” và tiện nghi hơn hẳn với mâm xe hợp kim sáu chấu kép 18-inch, tay nắm cửa sơn đen bóng, gương chiếu chỉnh/gập điện, tích hợp đèn báo rẽ, sấy điện cùng bộ trang bị thể thao bao gồm: thanh gá nóc, bệ lên xuống và tấm lót thùng hàng. Những người anh em còn lại cũng không quá kém cạnh với tay nắm cửa mạ chrome hoặc sơn cùng màu thân xe, la-zăng hợp kim kích thước 17-inch hoặc mâm thép 16-inch,…
Đuôi xe
Thiết kế phía sau của Ranger đơn giản, không cầu kì nhưng vẫn bật lên được cá tính riêng khi đi cạnh những mẫu bán tải hiện hữu trên thị trường. Ba ô vuông cỡ lớn của cụm đèn hậu xếp dọc sát hai bên thân xe cho phép các phương tiện theo đuôi Ranger khả năng quan sát rõ ràng, ngoài ra còn có dãy đèn LED báo phanh phụ bố trí khá cao trên phần khung sát với cabin hành khách.
Nắp chắn thùng hàng tạo điểm nhấn với một gân dập nổi sắc nét chạy cắt ngang logo ovan màu xanh biển, tên phiên bản đặt ở góc phải nhưng nếu ở Wildtrak là dạng tem dán trong khi XLS, XLT và XL được dập nổi và mạ chrome bóng bẩy. Cản sau kiêm bệ lên bố trí với độ cao hợp lý cùng các rãnh chống trượt giúp việc lên xuống, chất dỡ hàng hòa dễ dàng hơn.
NỘI THẤT
Tổng quan khoang xe
Cũng chẳng quá lời khi gọi Ranger Wildtrak 2016 là một mẫu “sedan gầm cao” với một khoang hành khách rộng rãi đủ cho một gia đình 5 thành viên, đi cùng đó là một loạt những tính năng tiện nghi hiện đại đủ sức khiến không ít mẫu xe sedan hay SUV ở tầm tiền cao hơn tại Việt Nam phải e dè. Và chỉ cần cách phối màu hai tone đen-cam trẻ trung của Wildtrak đã đủ chứng tỏ vị thế khác biệt so với những đối thủ bán tải còn lại.
Ghế ngồi và không gian hành khách
Tuy rằng không gian dành cho năm hành khách của Ford mang đến là rộng rãi, thoải mái với khoảng để chân và trần xe dư dả nhưng sáu phiên bản Ranger 2016 đều không trang bị ghế bọc da, ngay cả hai phiên bản Wildtrak chỉ có ghế da pha nỉ. Và cũng chỉ riêng mẫu Wildtrak 3.2L AT 4x4 mà nhóm danhgiaXe trải nghiệm được trang bị ghế lái chỉnh điện 08 hướng, còn lại đều phải chỉnh tay. Hàng ghế trước cho cảm giác nâng đỡ ở mức chấp nhận được, phần đệm quanh hông và lưng không ôm quá sát cơ thể người ngồi.
Hàng ghế sau rộng rãi đủ cho ba người lớn với các tựa đầu đầy đặn nhưng tựa lưng phẳng và độ nghiêng ít nên sẽ không mấy thoải mái nếu cần phải đi đường dài, cộng thêm sàn xe nhô cao ở vị trí ngồi giữa khiến chân bị gò bó đôi chút. Nếu so với một vài mẫu bán tải khác mà nhóm danhgiaXe từng trải nghiệm như Triton, Navara hay Hilux, rõ ràng hàng ghế thứ hai của Ranger tỏ ra yếu thế hơn hẳn.
Bảng tablo
Ford sử dụng các hình khối chữ nhật trong thiết kế bảng tablo của Wildtrak, màn hình cảm ứng 8-inch giúp tinh giản tối đa cho các nút bấm của hệ thống giải trí, cụm điều hòa bố trí gọn gàng cùng bốn hốc gió lớn mang đến một tổng thể cân xứng, cả người lái và người bên cạnh đều có thể dễ dàng thao tác ở bảng điều khiển trung tâm. Trang bị ở các phiên bản Ranger còn lại khác biệt như sau: XLT có màn hình TFT 4-inch, XLS AT và XLS MT có màn hình LED và XL sẽ không xuất hiện màn hình trung tâm.
Ngoài ra, Wildtrak tiếp tục nhỉnh hơn về mặt chất liệu với phần mặt trên phủ da hoàn toàn và có đường viền kẻ chỉ màu cam, xen giữa các hốc gió và viền quanh màn hình trung tâm sử dụng nhựa giả cacbon hiện đại, những khu vực còn lại Ford mang đến các mảng nhựa có vân giả da tinh tế.
Các nút bấm chức năng bố trí trên bản tablo của Wildtrak, và Ford không trang bị nút bấm khởi động cho Ranger 2016.
Tay lái
Vô-lăng của Ranger là dạng bốn chấu và chỉ được bọc da ở hai phiên bản Wildtrak cùng XLT, các nút bấm tích hợp đã “phủ kín” khu vực 3 giờ và 6 giờ nên sẽ mất chút ít thời gian để làm quen và thành thạo sử dụng những chức năng hiện đại của Wildtrak 3.2L. Với một thao tác gạt lẫy, cột tay lái sẽ chuyển sang trạng thái tự do để bạn dễ dàng chọn tư thế vần vô-lăng thoải mái nhất. Kích cỡ đường kính vô-lăng rất vừa vặn, cảm giác xoay và miết tay trên bề mặt da hết sức dễ chịu và thoải mái nhờ độ hoàn thiện tốt.
Đồng hồ hiển thị
Khác biệt hoàn toàn với phần còn lại, Ford mang đến những trải nghiệm đầy thú vị cho người cầm lái Wildtrak nhờ cụm đồng hồ gồm cụm vận tốc đặt giữa hai màn hìnhTFT 4.2-inch hiển thị đa thông tin, thông qua những nút điều hướng trên vô-lăng người lái sẽ thuận tiện theo dõi và kiểm soát tình trạng hoạt động của chiếc bán tải. Một chi tiết mà cá nhân tôi cảm thấy hài lòng hơn cả là việc dãy vị trí tay số lộ diện đầy đủ, rất rõ ràng và thuận tiện cho việc điều khiển Ranger.
Cửa xe
Những dòng xe Ford luôn mang đến âm thanh dập cửa chắc chắn, an tâm và đáng tin cậy, Ranger cũng không ngoại lệ nhờ chất liệu tôn dày, cứng cáp. Bên trong, các hành khách của Wildtrak có được phần gác tay phủ da êm ái, các lẫy chuyển số thiết kế lịch lãm và mạ chrome sang trọng, riêng vị trí người lái bổ sung tính năng chống kẹt cho cửa kính chỉnh điện một chạm.
THIẾT BỊ TIỆN NGHI
Hệ thống nghe nhìn
Khi lựa chọn Wildtrak, bạn đã có được hệ thống đa phương tiện hiện đại nhất tính đến thời điển này của Ford – SYNC 2 đi cùng một loạt những tính năng hỗ trợ hiện đại như điều khiển giọng nói, kết nối đàm thoại rảnh tay cùng điện thoại thông minh, những người anh em còn lại cũng không qua thua thiệt với hệ thống SYNC thế hệ đầu tiên. Tiếp đến, việc giải trí ở Ranger sẽ được đảm nhiệm bởi dàn âm thanh 06 loa (trừ XL chỉ trang bị 04 loa), danh sách hỗ trợ bao gồm Radio AM/FM, đầu CD một đĩa, nghe nhạc MP3, kết nối iPod, USB, AUX và Bluetooth giúp bạn dễ dàng tìm được cách giải trí phù hợp.
Bên cạnh đó, ở cả phía trước và sau FORD đều trang bị những cổng cấp điện, đáng chú ý hơn cả là hàng ghế thứ hai xuất hiện cả một nguồn AC 230V - 150W rất hữu ích.
Hệ thống điều hòa
Ford trang bị điều hòa tự động hai vùng độc lập ở Wildtrak và XLT, các phiên bản còn lại có được điều hòa chỉnh tay đơn vùng. Trải nghiệm thực tế khả năng làm mát, nhờ các hốc gió lớn nhanh chóng xua tan cái nóng của trưa hè bên trong cabin dù rằng hàng ghế sau không có cửa gió riêng. Giao diện hoàn toàn là các nút bấm sắp xếp gọn gàng chứ không xuất hiện nút xoay để điều chỉnh nhiệt độ, thao tác điều chỉnh dễ dàng và thuận tiện.
Đèn nội ngoại thất
Wildtrak quả thật gây được ấn tượng với tôi bởi sự tận tâm trong việc bố trí các chi tiết cỏn con để phục vụ cho chủ xe trong quá trình sử dụng, ngoài hai vị trí đèn trần nội thất, Ford tỉ mỉ bố trí thêm đèm soi cửa xe ở bên dưới gương hậu, đèn chiếu sáng thùng hàng ngay cạnh dãy đèn báo phanh và cả đèn soi biển số phía sau ở bậc lên xuống.
Không gian chứa đồ và thùng hàng
Không xét đến những hộc đển độ, khay để ly “mặc nhiên” xuất hiện ở khắp khoang lái thì hàng ghế thứ hai của Ranger có thể gập toàn bộ cả phần đệm ngồi hoặc tựa lưng để lộ ra thêm không gian dành cho đồ dùng cá nhân và những dụng cụ sửa chữa xe.
Thùng hàng của Ranger có kích thước 1.450 x 1.560 x 450 (mm), không quá nổi trội so với các đối thủ như Hilux 2016, BT-50 facelift 2016 hay Navara 2015 vốn đã có thùng hàng phía sau rộng rãi hơn khá nhiều. Tuy nhiên Ford đã bù đắp điểm yếu đó bằng một cổng nguồn 12V ngay hốc bánh xe, rất tiện lợi khi bạn cần sử dụng điện trong những chuyến đi dã ngoại, cắm trại cùng người thân và gia đình.
Mức tải trọng tối đa giữa các phiên bản cũng khá chênh lệch, đáng chú ý khi Wildtrak 3.2L AT 4x4 lại không phải là anh chàng “lực lưỡng” nhất khi chỉ có thể gánh vác hơn 900 kilogam, trong khi các phiên bản còn lại đều tỏ ra vượt trội với hơn 1.100 kilogam khả năng chuyên chở. Nắp chắn thùng được neo giữ bằng cáp rất chắn chắc, chi tiết này được bọc nhựa và nẹp kim loại ở hai đầu giúp tăng tính thẩm mỹ và tranh việc gỉ sét sau một thời gian dài sử dụng.
VẬN HÀNH, CẢM GIÁC LÁI VÀ AN TOÀN
Động cơ, hộp số và hệ truyền động
Các phiên bản Ranger trang bị tổng cộng hai dung tích động cơ, 3.2 hoặc 2.2 lít nhưng mang đến tổng cộng bốn thông số đầu ra khác nhau. Mạnh mẽ nhất là chiếc Wildtrak mà chúng tôi trải nghiệm với động cơ diesel TDCi 5 xilanh thẳng hàng 3.2L có hệ thống tái tuần hoàn khí thải (EGR) nâng cấp giúp tiết kiệm nhiên liệu 18%, sinh ra công suất cực đại 200 mã lực tại 3.000 vòng/phút, mo-men xoắn tối đa đạt 470Nm với dải vòng tua từ 1.750 đến 2.500 vòng/phút.
Sánh vai hoàn hảo cùng khối “cơ bắp Mỹ” là hộp số tự động sáu cấp và hệ dẫn động hai cầu 4x4 có nút gài cầu điện, cho phép chuyển đổi giữa ba chế độ gài cầu ngay cả khi đang di chuyển với chức năng khóa vi sai cầu sau đối với 4H và 4L.
Cảm giác lái
Sau khi điều chỉnh ghế ngồi và lựa chọn vị trí cột tay lái cho thật vừa vặn, cảm giác đầu tiên khi vần vô-lăng của Ranger Wildtrak 2016 hoàn toàn bất ngờ, nhẹ nhàng như một chiếc xe sedan hạng sang. Hệ thống trợ lực điện hỗ trợ gần như hoàn hảo cho người lái, khi chiếc xe đứng yên lực cản từ mặt đường hầu như được loại bỏ gần hết, chỉ cần nhích nhẹ ngón tay cũng đủ để xoay hai bánh trước tại chỗ. Tuyệt vời hơn khi bắt đầu lăn bánh, vô-lăng được điều chỉnh đầm chắc trở lại, người lái sẽ yên tâm hơn khá nhiều, ngoài ra phản ứng của Ranger chính xác và nhạy tuy nhiên cảm giác phản hồi từ mặt đường không được chân thực cho lắm.
Chậm rãi đưa chiếc bán tải to lớn nhập vào dòng xe trên đường, việc quan sát của tôi không gặp mấy trở ngại khi phần đầu và đuôi xe luôn nằm trong tầm kiểm soát, cột chữ A thiết kế gọn gàng, tối giảm đáng kể điểm khi mù kết hợp cùng gương chiếu hậu lớn bên ngoài, bên trong Wildtrak còn sở hữu gương chống chói tự động rất hữu ích. Các cảm biến quanh xe hoạt động hết sức hiệu quả, những tiếng cảnh báo phát ra tít tí thường xuyên khi những chiếc xe máy áp sát từ sau hoặc cắt ngang phía trước.
Động cơ diesel tăng áp I5 với 200 mã lực cho độ bốc vượt trội so với những đối thủ trong phân khúc, chỉ nhích nhẹ chân ga Wildtrak đã chồm lên như một con thú hoang, hộp số tự động 6 cấp ly hợp kép hoạt động mượt mà và chính xác, hầu như tôi và những thành viên nhóm danhgiaXe rất khó cảm nhận được độ lực khực của hộp số.
Vận hành ở tốc độ cao Ranger thể hiện sự ổn định đáng nể, chiếc xe có gia tốc khá tốt khi cần tăng tốc hay lúc cần vượt mặt. Những tính năng hỗ trợ hoạt động rất hiện quả giúp việc đồng hành cùng Wildtrak trên những chặn đường dài thêm nhàn nhã và an toàn, từ hệ thống điều khiển hành trình thích ứng Adaptive Cruise Control có giới hạn tốc độ, khả năng cài đặt khoảng cách an toàn với phương tiện phía trước cho đến hệ thống cảnh báo chuyển làn và duy trì làn đường.
Ngoài ra, độ cách âm của Ranger 2016 khá nổi trội, không gian nội thất yên tĩnh, hầu như không có một chút tiếng ồn nào từ động cơ vọng vào trong cabin lái, kể cả khi tăng tốc hay chạy tốc độ cao với tua máy cao. Dù vậy nếu đề-pa Wildtrak 3.2L trong một khu phố yên ắng thì có lẽ sẽ gây chú ý bởi tiếng gầm từ động cơ chẳng hề “nhỏ nhẹ” tí nào cả khi nghe từ bên ngoài.
Tuy chưa phải là hệ dẫn động tối ưu hàng đầu phân khúc, nhưng với khóa vi sai cầu sau cùng bốn bánh chủ động cũng đủ sức để Ranger Wildtrak dấn thân vào những địa hình khó. Nhóm danhgiaXe đã thử sức mẫu bán tải của Ford đôi chút khi lăn bánh vào một đoạn đường đất khá trơn trượt. Bùn đất lấp kín những khe rảnh trên lốp nhưng chi cần chế độ 4H, Wildtrak vẫn giữ được độ bám cần thiết, đồng thời khoảng sáng gầm cao ráo giúp xe dễ dàng bỏ lại các vệt bánh xe tải sâu hoắm lại phía sau để trở lại với mặt đường nhựa quen thuộc. Nhắc thêm thì Ranger 2016 có khả năng "bơi lội" bỏ xa mọi đối thủ - 800 mm chịu ngập, đủ để vượt qua những con đường mùa mưa trắng xóa nước ở Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh.
Tiêu hao nhiên liệu
Động cơ diesel luôn có ưu thế về chi phí sử dụng nhiên liệu và Ranger cũng không ngoại lệ, Wiltrak 3.2L dù có đến 5 xilanh nhưng khi di chuyển đều ga trên đường trường mức tiêu hao chỉ xoay quanh khoảng 10 lít/100km, trong khi đó con số dành cho các động cơ 2.2L đạt khoảng gần 9 lít cho 100 kilomet.
An toàn
Bạn có thể hoàn toàn an tâm với Ford Ranger 2016, mẫu bán tải Hoa Kỳ đã dành được 5 sao từ Euro NCAP – Tổ chức đánh giá xe mới châu Âu nhờ trang bị hàng loạt các công nghệ, tính năng an toàn hiện đại và thông minh, biến Wildtrak 3.2L 4x4 AT thật sự trở thành một “gã vệ sĩ” cơ bắp và tận tụy.
- Hệ thống chống bó cứng phanh ABS và phân phối lực phanh điện tử EBD
- Hệ thống cân bằng điện tử ESP
- Hệ thống kiểm soát chống lật xe
- Hệ thống kiểm soát xe theo tải trọng
- Hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc
- Hệ thống hỗ trợ đổ đèo
- Bộ 06 túi khí (các phiên bản còn lại có 02 túi khí)
- Hệ thống cảnh báo va chạm bằng âm thanh và hình ảnh trên kính lái
- Cảm biến lùi và camera lùi
- Cảm biến áp suất lốp
ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT
Đối tượng phù hợp
Ranger Wildtrak 3.2L 4x4 AT rõ ràng thích hợp nhất với đối tượng khách hàng trẻ trung tầm 30 đến 35 tuổi, đòi hỏi một phương tiện mạnh mẽ, cá tính nhưng không kém phần tiện nghi và an toàn, đủ sức chinh phục mọi thử thách dù là khắc nghiệt nhất. Trong khi đó các phiên bản một cầu như Wildtrak 2.2L, XLS AT và MT đã, đang và sẽ là sự lựa chọn của những ai chủ yếu sinh sống ở đô thị hoặc cần một chiếc xe hậu cần để đồng hành cùng những chuyến đi xa của gia đình. Còn lại Ranger XL và XLT với khả năng chuyên chở đáng nể cùng hệ dẫn động hai cầu sẽ đủ sức phục vụ các doanh nhân cần vận chuyển nhiều hàng hóa trong công việc.
Chấm điểm và đề nghị
Bỏ qua một vài điểm trừ nho nhỏ ở ghế nồi cũng như giá bán cao hơn các đối thủ, chiếc bán tải của Ford gần như hoàn hảo khi hội tụ ngoại thất trẻ trung hiện đại cùng nội thất rộng rãi với nhiều tính năng hữu ích, trang bị an toàn cao cấp và nhất là sự đa dạng về phiên bản mang đến khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng. Tất cả những điều đó đã giúp Ranger 2016 liên tiếp đứng đầu danh sách dòng xe bán chạy, vượt qua cả những dòng xe sedan đình đám như Vios hay Mazda 3.
Sau những trải nghiệm với Ford Ranger 2016, nhóm danhgiaXe thống nhất dành cho mẫu xe này điểm số 4.0/5. Nếu bạn đã và đang sử dụng Ford Ranger 2016, hãy cùng chia sẻ nhận định của mình cùng mọi người nhé
Nguồn: http://www.danhgiaxe.com/